Khi nghe đến “từ vựng” trong tiếng Anh, nhiều người cảm thấy sợ hãi và coi đó như những “cơn ác mộng”. Với những kinh nghiệm sau, tôi hi vọng bạn có thể áp dụng với bản thân mình một cách hiệu quả.
Học thuộc lòng từ vựng
Nghe có vẻ như đi ngược lại với các phương pháp học đổi mới ngày nay, bởi học thuộc lòng vốn bị cho là không khoa học và mang màu sắc cổ điển. Nhưng nói vậy không có nghĩa đây là phương pháp học sai. Áp dụng cho từng đối tượng khác nhau sẽ có những phương pháp học phù hợp, và đối với tôi, đây lại là cách học cực kì hiệu quả. Tôi học theo cách truyền thống, đó là chép mỗi từ vựng 10 lần sau đó ra lại bằng cách viết từ vựng một bên và nghãi tiếng Việt bên còn lại. Bằng cách đó, tôi đã có thể nhớ mặt chữ và ý nghĩa, từ đó áp dụng những từ vựng này vào câu đơn giản để khắc ghi nghĩa của từ sâu hơn. Tất nhiên, sau đó vẫn phải ôn đi ôn lại nhiều lần thì mới có thể nhớ luôn được ý nghĩa. Nếu có học mà không có luyện tập, công sức bỏ ra ban đầu của bạn chỉ như đổ hết xuống sông mà thôi, rất lãng phí.
Học tiếng Anh theo chủ đề
Đây là một cách triển khai vấn đề rất hay mà nhiều nhà sư phạm ngoại ngữ cũng thường áp dụng vào các bài học của mình để triển khai cho học sinh. Bằng cách này, bạn sẽ nâng cao được vốn từ của mình trong một chủ điểm. Chẳng hạn, ngay trong các bài học đơn giản, về dụng cụ học tập, chúng ta sẽ học tên gọi của các đồ dùng và tăng dần mức độ lên là hiểu thêm về những từ vựng nói lên đặc điểm, công dụng của từng món đồ. Đối với cách học này, các bạn nên triển khai viết ra kiểu sơ đồ tư duy, sơ đồ cây hoặc đầu tư hơn thì có thể thiết kế cho mình những hình ảnh mình họa ứng với mỗi từ ngữ. Sẽ mất thời gian hơn nhưng lại khắc sâu vào trí nhớ của bạn, và không gây nhàm chán.
Học từ vựng tiếng Anh theo sở thích
Có người thích hội họa, có người yêu âm nhạc, cũng có người đam mê du lịch hay thời trang, phim ảnh. Hãy tận dụng sở thích của mình vào việc học tiếng Anh, mà cụ thể là từ vựng để có thể nâng cao trình độ của mình. Việc học theo sở thích này sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn cho bạn, không tạo ra áp lực vì chính bạn đã tự mình tìm hiểu để đáp ứng cho nhu cầu cần được biết lẫn ham thích của mình. Có thể nói nôm na phương pháp này là “học mà chơi, chơi mà học”. Não bộ con người có khả năng ghi nhớ rất lâu những điều mà mình yêu thích, đây sẽ là một cơ hội để bạn nâng cao vốn từ của mình theo cách mà bạn cảm thấy hứng thú nhất.
Ôn luyện
Học luôn phải đi đôi với hành, kể cả học tiếng Anh, không nên chỉ học lý thuyết mà hãy thực hành nó bất cứ khi nào bạn có thể. Thực hành ở đây không nhất thiết là phải gặp và nói chuyện thật nhiều với người nước ngoài. Bạn có thể mang những gì mà mình học được áp dụng vào việc nghe nhạc Âu Mỹ hay xem những bộ phim nước ngoài. Đó là lúc bạn phát huy khả năng nhớ từ vựng của mình, một cách học và thư giãn cùng với âm nhạc, hình ảnh. Hoặc bạn có thể tập xem dần một vài show truyền hình quốc tế nổi tiếng, hay là xem bản tin thời sự bằng tiếng Anh. Vừa khắc ghi kiến thức cũ, vừa thu nạp thêm kiến thức mới, đó là mục đích chính của việc học tiếng Anh nói riêng và học ngoại ngữ nói chung.