Ngày nay, các bậc cha mẹ thường cho con mình học tiếng Anh ngay từ khi còn bé để bắt kịp với xu hướng của thời đại. Ngoài việc gửi con đến các trung tâm anh ngữ thì cha mẹ còn có một lựa chọn khác đó là thuê gia sư.

Điểm lợi của việc thuê gia sư đó là con bạn có được sự chú ý 100% của người dạy. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gia đình mắc lỗi trong việc chọn gia sư cho con, gây cản trở đến việc học của trẻ. 

Việc dạy 1-1 tưởng dễ nhưng lại có một số khó khăn lớn không bao giờ gặp phải trong lớp học. Việc thành công hay không thành công không chỉ phụ thuộc vào trình độ giáo viên mà còn tùy vào việc hai thầy trò có hợp nhau hay không. Nếu hợp, trẻ sẽ dễ dàng bước vào bài học với tâm lý thoải mái vì cảm thấy an toàn và tin tưởng gia sư. Còn nếu không, trẻ sẽ có cảm giác không thích thú với giáo viên, lâu dần sẽ tỏ thái độ khó chịu với môn học, khiến trẻ ghét luôn môn học đó. Vì vậy khi chọn được một gia sư, các gia đình nên có một cuộc gặp mặt và phỏng vấn tìm hiểu những thông tin dưới đây để có thể an tâm giao con mình cho vị gia sư đó.

1. Trình độ và kinh nghiệm

Tuy chúng ta đã đề cập rằng trình độ và kinh nghiệm không phải là tất cả nhưng các gia đình cũng nên có một chút thông tin trực tiếp từ gia sư. Có thể đặt những câu hỏi như: thầy cô hay anh chị đã dạy cho trẻ con nhiều chưa? Cách tiếp cận với trẻ con như thế nào? Thích nhất điều gì khi dạy học? Coi dạy học là công việc ngắn hạn hay lâu dài?…

2. Quan điểm của gia sư về việc dạy và học

Hầu hết các gia đình đều mặc định thời lượng đương nhiên của một buổi học là tiếng rưỡi đồng hồ, tuần hai buổi. Tuy nhiên, thông thường các trẻ cấp 1 không có khả năng ngồi lâu như vậy. Bạn sẽ băn khoăn rằng trẻ cấp 1 ngồi ở trường có sao đâu? Bắt trẻ ngồi một chỗ cũng được nhưng trẻ có thực sự tập trung và hiểu nội dung bài học hay không lại là một vấn đề khác. Vì vậy cha mẹ nên đặt vấn đề cho gia sư về những việc như: phương pháp dạy và thời gian bao lâu trẻ có thể tiến bộ… để hiểu thêm về những quan điểm của gia sư trong việc dạy và học. 

Chọn gia sư không tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của trẻ

3. Nêu ra các yêu cầu của gia đình

Nếu bạn có bất cứ yêu cầu gì, hãy trao đổi trực tiếp với gia sư xem họ nghĩ gì, họ có thể đáp ứng yêu cầu đó không và tham khảo thêm ý kiến chuyên gia xem những yêu cầu ấy có hợp lý hay không. Không nên cho rằng gia chủ không nói gì thì gia sư vẫn sẽ dạy đúng ý của gia chủ. 

4. Kiểm tra trình độ tiếng của gia sư

Nếu bạn không ngại, bạn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc phỏng vấn bằng tiếng Anh với gia sư để xem trình độ tiếng của gia sư ở mức độ nào. Nếu bạn không đủ vốn tiếng Anh để tự kiểm tra, hãy nhờ ai đó tin cậy và giỏi tiếng Anh.

5. Cho trẻ gặp gia sư và yêu cầu gia sư dạy thử

Bạn hãy cho trẻ đến gặp gia sư để trẻ trò chuyện với gia sư và hỏi xem cảm nhận ban đầu của bé về gia sư như thế nào. Trẻ cũng nên có tiếng nói trong việc lựa chọn gia sư, hay ít ra cũng có những ý kiến và suy nghĩ riêng về người gia sư đó.

Sau khi phỏng vấn xong bạn có thể yêu cầu gia sư dạy thử trong vòng một tháng. Bạn cũng có thể quan sát xem thái độ gia sư như thế nào nhưng cách này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dạy và việc học của trẻ. Vì vậy, bạn có thể đánh giá gia sư bằng việc hỏi trẻ cảm nhận về người gia sư đó như thế nào. Tùy thuộc vào đánh giá của trẻ mà bạn có thể giữ người gia sư đó hay không. Tuy nhiên bạn vẫn nên hỏi lý do vì sao trẻ thích hoặc không thích để có thể đánh giá một cách khách quan. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử kiểm tra trình độ của bé bằng một vài câu hỏi về cách phát âm hay những gì mà trẻ học được để xem gia sư đó đã dạy trẻ như thế nào, có hiệu quả hay không. 

Với những phương pháp kiểm tra như vậy hy vọng sẽ giúp các bậc cha mẹ đạt được kết quả tốt trong việc lựa chọn gia sư cho con. Ngoài ra, bạn cũng có thể rèn luyện thêm cho trẻ bằng những phương pháp dạy khác tại đây để đạt hiệu quả tốt nhất.